TOP 15 bài Phân tích bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh 2023 SIÊU HAY

Rate this post

Bài thơ “Đi đường” là đứa con tinh thần quý báu của Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Có thể nói thi phẩm ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: khi Bác bôn ba và bị bắt giam bên Trung Quốc, bằng chính những trải nghiệm của mình, Bác viết tập thơ “Ngục trung nhật kí” và “Đi đường” là một trong số đó. Bài thơ sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, được dịch ra thể lục bát:

“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”

Từ câu thơ đầu tiên, ta đã thấy rõ cách biểu đạt cùng lối văn giản dị của Bác Hồ:”Đi đường mới biết gian lao”. “Đi đường” nghe có vẻ bình thường nhưng quả thực khi trong hoàn cảnh tay chân bị gông cùm xiềng xích ta mới thực sự hiểu “đi đường” là bị giải đi đường, là đi đày.

Bác mặc dù không sử dụng nhiều hình ảnh đặc tả liên quan nhưng chúng ta ít nhiều hiểu được bối cảnh lịch sử, tuy thơ không tái hiện cảnh Bác bị giải đi từ nhà lao này đến nhà lao khác, sống giữa cảnh đói rét và đọa đày. Cụm từ “mới biết” nghe như đang kể lại một cách khiêm tốn nhưng chất chứa ở bên trong biết bao khó khăn sóng gió mà Bác đã phải trải qua.

Như thế, câu đầu trong bài “Đi đường” không chỉ là sự đúc kết kinh nghiệm trong một cuộc đi đường, mà còn chứa đựng một thái độ đánh giá, nhận thức được suy nghĩ suốt chặng đường bị tù đày và cả trên con đường giải phóng, tìm tự do cho dân tộc. Đến với câu thứ hai cảnh thiên nhiên xuất hiện:”Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”.

Từng lớp núi cao xen nhau, trải dài nối tiếp mà Bác phải đi qua trên đường giải lao. Núi diễn ra những khó khăn và gian lao khắc khổ mà Bác phải đối mặt. Phía trước là núi phía sau lưng cũng là núi, trập trùng những khó khăn, dường như chúng dài vô tận, cũng lẽ thế mà nỗi khổ cũng kéo dài triền miên không biết bao giờ mới chấm dứt.

Câu thơ thứ hai như diễn giải ý của câu thơ thứ nhất. Đường đi đâu phải dễ mà toàn là núi cao trắc trở cản bước người tù đeo trên vai là những xiềng xích. Đến hai câu cuối, cảnh thiên nhiên lại được Bác miêu tả rõ rệt hơn:

Những dãy núi cao không chỉ trải dài mà còn “lên đến tận cùng” cũng chính là lúc người tù gặp tột cùng những khó khăn. Con người giữa thiên nhiên vũ trụ trở nên nhỏ bé. Tuy vậy nhưng con người có ý chí có quyết tâm rốt cuộc cũng leo đến tận đỉnh núi sau muôn vàn những dốc cao dốc thấp.

Người đi đường tưởng chừng tản bộ ngắm núi nhưng thật sự phải đối mặt muôn vàn khó khăn, tuy vậy, người tù vẫn làm chủ được thiên nhiên. Lúc ấy người ta thu vào tầm mắt tất cả cảnh vật xung quanh, trong câu thơ có niềm vui khôn xiết của một con người đã vượt qua tất thảy khó khăn, khổ ải để có thể tận hưởng được cảnh nước non mây trời, cảnh giang sơn xã tắc trên đỉnh cao, đó là sự chiến thắng.

Bài thơ Đi Đường của vị cha già kính yêu của dân tộc không còn là một bài thơ miêu tả cảnh thông thường mà nó còn khắc họa hình ảnh người đi đường, với những nét phác họa rất giản dị mà lãng mạn vô cùng. Tạo cho bài thơ một sức cuốn hút riêng biệt.

Phân tích bài thơ Đi đường – Mẫu 8

Bài thơ “Đi đường” có tựa đề là một cụm từ, chỉ một hệ thống. Bài thơ, do vậy có một ý nghĩa riêng, ngoài việc diễn tả cảm xúc trước cảnh núi non điệp trùng, đất trời cao rộng, hùng vĩ, nó còn thể hiện tư thế chủ động của một nhà thơ – chiến sĩ. Bài thơ sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, được dịch ra thể lục bát:

“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Mở đầu là một câu thơ giản dị gần như một lời nói thường:

“Đi đường mới biết gian lao”.

“Đi đường”, hai tiếng bình dị thế thôi nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa. Trước hết là nghĩa cụ thể của nó. Nói “đi đường” thực chất là bị giải đi đường, là đi đày. Bác tuy không kể, không tả, nhưng chúng ta, những người đọc thơ Bác hôm nay, không thể không đặt bài thơ trong khung cảnh Bác bị giải đi triền miên giữa cảnh đói rét thiếu thốn, giữa cảnh nắng đội mưa dầm, giày dép tả tơi, 53 cây số một ngày, tay bị trói, cổ mang vòng xích. Vậy mà, câu thơ nói đi nói lại dường như chỉ là một nhận xét, một đúc kết bình thường. Từ “mới biết” nghe nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng chất chứa ở bên trong biết bao sóng gió cuộc đời, bao nhiêu suy nghĩ của người trong cuộc. Như thế, câu đầu trong bài “Đi đường” không chỉ là sự đúc kết trong một cuộc đi đường cụ thể, mà còn bao hàm một thái độ đánh giá, nhận thức được suy nghĩ trong suốt cả chặng đường dài trên bước đường đời nói chung, trên bước đường cách mạng nói riêng. Câu thơ do vậy vừa mang nội dung cụ thể, vừa mang nội dung khái quát.

Đằng sau câu thơ, ta bắt gặp một tâm hồn lớn, cao khiết, đẹp đẽ, một trí tuệ mẫn cảm của bậc chí sĩ đang đối diện, chịu đựng những gian lao khủng khiếp nhưng đã biết vượt lên gian lao bằng thái độ làm chủ, bằng phong thái ung dung bình tĩnh, với cái nhìn minh mẫn, sáng suốt mà khiêm tốn.

Câu thơ thứ hai:

“Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”.

Trước hết, đó là một câu thơ tả thực về cảnh những lớp núi điệp trùng mà Bác phải vượt qua. Có người cho đây là những hình ảnh cụ thể hóa các gian lao trong câu thơ đầu, cũng có thể là như thế. Nhưng như trên đã phân tích, câu đầu trong bài thơ không phải là một cảm hứng đầu mà là cảm hứng kết luận. Hơn nữa, âm hưởng của câu thơ gợi cho người đọc về cái gian lao thì ít mà mở ra một không gian bát ngát, điệp trùng, đẹp đẽ, hùng vĩ nhiều hơn.

Chẳng thấy đâu đầy ải xích xiềng, chỉ thấy một trái tim tự do đang chiêm ngưỡng, đắm say thưởng ngoạn thiên nhiên của nhà nghệ sĩ. Điều này thật khó phân tích, lí giải bằng lí luận chữ nghĩa. Từ tâm hồn nó đến thẳng tâm hồn. Thưởng thức thơ Bác chẳng khác nào thưởng thức một bông hoa. Đọc thơ Người, thỉnh thoảng phải dừng lại, nghĩ suy để thưởng thức các sức ngân vang của tâm hồn, tỏa ra từ những lớp chữ nghĩa, màu sắc, âm thanh… bình dị, thanh khiết.

Hai câu cuối:

“Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Cảnh núi non tiếp nối, không dứt, như vẽ ra trước mắt ta khung cảnh những lớp núi điệp trùng, hết lớp này đến lớp khác, trong đó con người, với tư cách là chủ thể của khung cảnh đang vượt lên những lớp núi chất chồng kia, đang đứng ở đỉnh cao ngất với niềm khoan khoái tự hào, thu vào tầm mắt cả một không gian khoáng đạt, cao rộng, cả khung cảnh gấm vóc hùng vĩ của đất nước, non sông. Câu thơ tả cảnh nhưng không giấu nổi một tiếng reo hạnh phúc ở bên trong, cái niềm hạnh phúc chân chính của một con người đã vượt qua bao chặng đường khổ ải, đã đi và đã đến đích, đang đứng ở đỉnh cao vời vợi. Trong khuôn khổ âm điệu, hình ảnh, vần luật của thơ ca cổ điển, khuôn phép, mực thước, ý thơ lại như có khuynh hướng muốn vượt ra ngoài, muốn vượt lên cái bình thường, để vươn tới cái tầm cao cả. Những câu thơ ấy mang vẻ đẹp của một thiên nhiên lớn và một tâm hồn lớn. Nó không chỉ diễn tả độ cao vời vợi của khung cảnh núi non cụ thể, nó còn diễn tả chiều cao của tầm nhìn, của ý chí, nghị lực, niềm tin, của lí tưởng cao cả, đẹp đẽ. Quả là khi đã có một lí tưởng cao cả, một bản lĩnh kiên cường, không có đỉnh cao nào mà con người không thể đạt tới. Và lúc bấy giờ còn người sẽ tìm thấy nguồn hạnh phúc vô biên. Cái kết luận ý nghĩa của bài thơ mang lại cho người đọc là như thế.

Phân tích bài thơ Đi đường – Mẫu 9

Trong những ngày bị tù đày, Hồ Chí Minh bị áp giải qua nhiều nhà lao. Theo Trần Dân Tiên trong những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch thì Người bị giam giữ trong gần ba mươi nhà lao huyện và xã. Chuyện đi đường là việc xảy ra hằng ngày.

Tham Khảo Thêm:  TOP 2 bài Viết một đoạn ngắn kể lại những suy nghĩ của người anh trong truyện Bức tranh của em gái tôi SIÊU HAY

Có chặng đường mà người đi thật dễ chịu trong khung cảnh chim ca rộn núi hương bay ngát rừng (Trên đường đi) nhưng phổ biến hơn là những chặng đường vất vả, đi đường giữa những ngày giá lạnh, đi đường núi non hiểm trở. Bài thơ Đi đường mở đầu cho hành trình bị áp giải: Đi đường mới biết gian lao.

Đây là kinh nghiệm của người đã nhiều lần lên đường, ra đi. Có đi đường mới có những kinh nghiệm về chuyện đi đường. Đây lại không phải là con đường bằng phẳng mà là một chặng đường núi non hiểm trở: Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.

Với Đi đường, tác giả hiểu rõ đường đời khó khăn. Đường đời đây cũng là con đường đấu tranh cách mạng và người chiến sĩ cách mạng là người đi đường, không mệt mỏi. Chấp nhận và vượt lên những khó khăn, người đi đường bao giờ cũng hướng tới đích:

Giày rách đường lầy chân lấm láp
Vẫn còn dấn bước dặm đường xa

Trong bài thơ Đi đường, những khó khăn thật chồng chất, càng ngày càng nhiều và nâng lên đến cao điểm. Câu thơ như một thử thách: Núi cao lên đến tận cùng. Người chiến sĩ cách mạng đã vượt qua được thử thách và chiến thắng. Trên cao điểm thắng lợi, biết bao tình cảm vui mừng được biểu hiện. Mừng vui vì đã chiến thắng được khó khăn, vì Người đã làm tròn trách nhiệm được giao phó.

Trên đỉnh cao, con người có những cảm xúc đặc biệt: Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non. Có thể quan sát và bao quát nhiều phạm vi của đời sống. Đôi mắt không còn bị hạn chế trong tầm nhìn mà đã được mở rộng, thâu tóm được biết bao cảnh vật.

Đi đường là một bài thơ hay có nhiều lớp nghĩa, nghĩa đen, nghĩa bóng. Bài thơ có ý nghĩa đúc kết về kinh nghiệm, kinh nghiệm đi đường, kinh nghiệm đầu tiên của chặng đường cách mạng. Trong mấy câu thơ đầu, thiên nhiên với những vùng núi non hiểm trở như che lấp con người. Nhưng rồi con người đã chủ động vượt qua thử thách và thở thành nhân vật trung tâm của bức tranh.

Đường đời gian khổ, đường cách mạng và đầy chông gai, nhưng quyết tâm vượt khó và theo đuổi đến cùng thì rồi cũng có ngày đi tới thành công, giành được chiến thắng.

Phân tích bài thơ Đi đường – Mẫu 10

Bài thơ “Đi đường” được rút ra trong tập “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh. Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ năm 1942 và phải chịu cảnh đày ải hết nhà lao này tới nhà lao khác, vất vả, gian lao vô cùng. Bài thơ không chỉ dừng lại ở bức tranh tả cảnh núi non trên đường chuyển lao mà ẩn chứa trong đó còn chất chứa tư tưởng triết lí đường đời sâu sắc mà Bác đã đúc kết, chiêm nghiệm được từ trong hoàn cảnh đặc biệt này: vượt qua gian lao chồng chất sẽ đi tới thắng lợi vẻ vang.

Trước hết bài thơ là một câu chuyện nhỏ về việc đi đường của Bác trong những năm tháng bị chính quyền tàu Tưởng bắt giữ:

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan

Trùng san chi ngoại hựu trùng san

Trùng san đăng đáo cao phong hậu

Vạn lí dư đồ cố miện gian.

Dịch thơ:

Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Ở câu khai đề, nhà thơ đã đưa ngay đến một bài học có tính chất nhận định chắc chắn: có đi đường thì mới biết đường đi khó. Đây không phải là một nhận định mang tính chủ quan mà hoàn toàn xuất phát từ hoàn cảnh thực mà chính Bác đang và đã trải qua.

Bởi trong hoàn cảnh đó, ngày nào cũng thế Bác thường xuyên bị áp giải đi hết nơi này đến nhà lao nơi ở khác ở Quảng Tây, nhiều khi tưởng chừng không thể chịu đựng nổi vì phải chịu cảnh đày ải rất khổ cực: “tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích… đi mãi đi mãi mà không biết đi đâu về đâu.

Dầm mưa dãi nắng, trèo núi qua truông… qua gần ba mươi nhà tù” (Trần Dân Tiên). Vì thế, câu thơ được viết lên từ một hiện thực trần trụi của một con người từng trải nên vô cùng thuyết phục. Tới câu thừa đề, nhà thơ chỉ rõ ra sự vất vả, gian lao của đường đi khó:

Trùng san chi ngoại hựu trùng san
(Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác)

Với kết cấu trùng điệp lặp lại hai chữ “trùng san” (hết lớp núi này tới núi lớp khác) kết hợp với từ “hựu” (lại) cho thấy cảnh núi non hiểm trở, trùng điệp cứ nối tiếp nhau chạy ra xa tít tắp mà không có điểm dừng. Vượt qua được dãy núi cao chót vót, trập trùng tưởng chừng đã thoát khổ nào ngờ những thử thách mới lại tiếp tục mở ra và đang chờ ở phía trước.

Vì thế, chữ “mới biết” ở câu thơ đầu bắt nhịp với câu thơ thứ hai tạo nên chiều sâu cảm xúc suy ngẫm của nhà thơ: Sự thấm thía về những chặng đường đã đi qua và những chặng đường gian nan đang tiếp tục đi tới. Đó là cả một hành trình không chỉ đòi hỏi con người có được một sức khỏe dẻo dai mà cao hơn còn cần có một ý chí, một nghị lực bền bỉ, một tinh thần vượt khó phi thường. Và cuối cùng Bác đã nỗ lực vượt lên chính mình để đi tới đỉnh cao chiến thắng:

Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian.

Vượt qua được biết bao nhiêu là thử thách, vất vả với những chặng đường đi gập ghềnh, uốn khúc quanh co, nỗi nhọc nhằn đã lùi lại phía sau và người đi đường đã leo được lên đỉnh cao chót vót. Biện pháp lặp từ ngữ, nối tiếp vắt dòng ở câu hai và ba qua từ “trùng san” không chỉ cho thấy cảnh núi cao, nối tiếp mà còn như tạo nên những bước chân chắc chắn đặt lên từng bậc thang mà leo tới đỉnh cao muôn trượng. Và khi đó, người đi đường hiện lên thật kì vĩ, hiên ngang, như dang hai tay ra mà làm chủ cả không gian của vũ trụ:

Vạn lí dư đồ cố miện gian.
(Thì muôn dặm nước non thu cả vào trong tầm mắt)

Câu thơ cuối đã phác họa thành công tư thế của con người chiến thắng. Tất cả vạn vật đã bỗng chốc thu nhỏ lại vào trong đôi mắt của người anh hùng. Nỗi nhọc nhằn vất vả vừa qua đã tan biến vào hư vô, thay thế vào đó là niềm vui sướng, hạnh phúc và cả sự đắm chìm hồn người vào trong cảnh vật thiên nhiên. Đó là đỉnh cao của sự chiến thắng, của sự vượt lên chiến thắng chính mình trước những vất vả, gian khó.

“Đi đường” là bài thơ có kết cấu chuẩn mực theo trình tự của thể thơ tứ tuyệt (đề – thực – luận – kết) cô đọng, hàm súc; giọng điệu biến chuyển linh hoạt: hai câu đầu rắn rỏi, chậm rãi, đầy suy ngẫm; hai câu sau phóng khoáng, nhẹ nhàng, thư thái… tất cả cả góp phần diễn tả thành công cảm xúc, suy ngẫm của nhân vật trữ tình trong thơ.

Bài thơ “Đi đường” không đơn giản dừng lại ở việc nói tới chuyện đường đi khó mà hình ảnh núi cao trập trùng còn biểu tượng cho sự khó khăn vất vả trong hành trình cuộc sống và hành trình cách mạng. Người chiến sĩ cách mạng phải trải qua rất nhiều chông gai thử thách nhưng khi đã nếm đủ những trái đắng đó thì sẽ gặt hái được thành công, sẽ đem lại thắng lợi rực rỡ.

Và đường đời cũng thế. Khi con người đã vượt qua thách thức thì sẽ đem lại kết quả xứng đáng, tạo nên những giá trị cao đẹp, bất tử, thiêng liêng. Bài thơ “Đi đường” ngắn gọn mà ý thơ mênh mang, gợi cho người đọc nhiều bài học ý nghĩa triết lí sâu sắc.

Phân tích bài thơ Đi đường – Mẫu 11

“Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta…”

(Tố Hữu)

Biết mỗi hành động, đọc mỗi bài thơ của Bác, chúng ta như được thêm vốn sống, tăng thêm nghị lực, lòng kiên nhẫn để vượt qua mọi thử thách gian lao và tin tưởng vững chắc vào kết quả công việc của mình.

Vào mùa thu 1942, từ Pác Bó, Bác Hồ qua Trung Quốc để tìm viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam, và bị chính quyền tỉnh Quảng Tây bấy giờ bắt giam. Suốt một năm sống trong ngục tù, Bác đã viết Nhật kí trong tù, 133 bài thơ được Bác viết bằng Hán văn về nhiều đề tài khác nhau với mục đích là để tự động viên mình, trong đó có bài Đi đường (Tẩu lộ).

Bài thơ được viết bằng thể thất ngôn tứ tuyệt, nhà thơ Nam Trân dịch ra Việt ngữ bằng thể thơ lục bát. Cũng cần biết thêm là Bác thường mượn những hình ảnh dễ thấy trong cuộc sống làm đề tài để biểu đạt tư tưởng và tình cảm của mình. Ngay ở tựa bài Đi đường cũng đã chứng minh cho nhận xét ấy.

Tham Khảo Thêm:  TOP 10 mẫu Tóm tắt Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác 2023 hay, ngắn gọn

Từ hình ảnh cụ thể và khái quát ấy, nhà thơ Hồ Chí Minh đã viết thành câu khai:

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan,

Bản dịch của Nam Trân viết:

Đi đường mới biết gian lao,

Câu thơ nguyên tác có điệp ngữ “tẩu lộ” (đi đường) để nhấn mạnh, còn câu thơ tiếng Việt thì không. Thế nhưng từ “nan” (khó) trong nguyên tác được dịch bằng từ “gian lao” thì khá tuyệt bởi nó diễn đạt nỗi khó khăn, gian khổ đậm nét hơn. Từ hình ảnh cụ thể ấy, người đọc hiểu rộng ra: mọi công việc, khi bắt tay vào hành động mới thấy những khó khăn đang chờ đợi.

Những khó khăn ở câu khai được nhà thơ diễn đạt rõ hơn ở câu thừa. Nguyên tác viết:

Trùng san chi ngoại hựu trùng san;

Bản dịch viết:

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;

Nguyên tắc sử dụng điệp ngữ “trùng san – nhiều lớp núi chồng lên nhau” nhấn mạnh về núi non để làm rõ nghĩa cho “tẩu lộ nan – đi đường khó” ở câu khai. Bản dịch tiếng Việt cũng sử dụng điệp ngữ “núi cao”, quan hệ từ “rồi lại”, và cả tính từ láy âm “trập trùng” để cụ thể hóa “gian lao” ở câu khai. Như thế thì câu thơ dịch khá hoàn chỉnh, kể cả chất thơ. Từ sự việc có thật là lúc ở tù nhà thơ bị giải đi từ nhà lao này sang nhà lao khác ở tỉnh Quảng Tây, một tỉnh có địa hình nhiều rừng núi nhà thơ muốn nhấn mạnh đến những khó khăn không bao giờ dứt trong đời sống của mỗi người. Đường đời bình thường đi đã mệt, đường giành lại độc lập tự do đã bị thực dân tước mất thì khó khăn và nguy hiểm khôn lường. Lịch sử Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập – tự do cho dân tộc từ thời dựng nước cho tới lúc nhà thơ bị bắt và làm bài thơ này đã chứng minh cụ thể cho sự khó khăn khôn lường ấy.

Biết như thế để tự động viên mình trên đường đi. Lúc nào cũng lạc quan, lúc nào cũng cố gắng tiến bước để đạt được mục tiêu cuối cùng như hình ảnh trong hai câu chuyển và hợp trong nguyên tác:

Trùng san đăng đáo cao phong hậu,
Vạn lí dư đồ cố miện gian.

Và bản dịch:

Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Cả nguyên tác lẫn bản dịch đều dùng phép đảo ngữ để nhấn mạnh “trùng san – núi cao”. Khó khăn nào cũng cố gắng vượt qua, núi cao nào cũng leo tới đỉnh rồi lại tiếp bước. Càng vượt được nhiều núi cao, trong thực tế, càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trèo đèo, lội suối, vượt qua những vực sâu… nguy hiểm. Hiểu rộng ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, kể cả việc học hành, càng vượt qua nhiều khó khăn càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong giải quyết công việc. Lúc ấy ta sẽ vững tin khi đối diện với một khó khăn mới khác trên bước đường đời.

Trong cuộc đời hoạt động, Bác đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Mỗi nơi, mỗi người đều giúp Bác thêm kiến thức, kinh nghiệm. Khi đã vượt qua tất cả những ngọn núi thấp để đến đỉnh ngọn cao nhất: vượt qua khó khăn lớn lao nhất thì đạt đến thành công. Hình ảnh kỳ vĩ: con người với thân hình nhỏ bé đứng trên đỉnh cao của ngọn núi vĩ đại: một bức tranh thật hào hùng; thành công ấy thật vinh quang. Vượt qua khó khăn lớn nhất sẽ thấy rõ đường đời cái gì là trắc trở, cái gì là hạnh phúc, bình yên.

Muốn thế, cần phải có tâm và trí

Ngày trước, Nguyễn Bá Học cũng đã từng mượn hình ảnh đi đường để nhấn mạnh vai trò nghị lực của con người rằng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông…”. Rồi cụ Phan Bội Châu cũng đã từng nhắc nhở: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai” thì nay lại có thêm Hồ Chí Minh. Mang nội dung giáo dục tư tưởng chính trị nhưng không khô khan bởi biết mượn hình ảnh sự việc để bộc lộ tâm tư của mình. Đúng là thơ của một danh nhân văn hóa của cả thế giới.

Thế hệ của Bác, đàn em của Bác đã học tập tinh thần ấy trong hai cuộc chiến chống thực dân và đế quốc. Còn các thế hệ sau thì nhờ học bài thơ mà họ thấy đường đời khó để bình tĩnh chuẩn bị hành trang mà vượt qua: tri thức là phương tiện để “lên đến tận cùng”, vượt nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu.

Phân tích bài thơ Đi đường – Mẫu 12

Bác Hồ từng tự sự: “Ngâm thơ ta vốn không ham / Nhưng mà trong ngục biết làm sao đây?”. Và bởi thế, ra đời trong những năm tháng Bác bị giam cầm, tập thơ “Nhật kí trong tù” từng được ví như một đoá hoa mà vô tình văn học Việt Nam nhặt được bên đường. Toát lên từ tập thơ là một tinh thần “thép” rắn rỏi, lạc quan: “Từ những bài thơ viết trong hoàn cảnh nhà tù dưới chế độ Tưởng Giới Thạch tàn bạo và mục nát toát ra một phong thái ung dung, một khí phách hào hùng, một ý chí sắt đá, một tinh thần lạc quan cách mạng không gì lay chuyển nổi”. Bài thơ “Đi đường” là một trong những số ấy.

“Tài lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian”.

Bài thơ được dịch là:

“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Bài thơ ra đời trong những năm tháng Bác Hồ bị bắt giam trong nhà lao Tưởng Giới Thạch. Bác bị chúng giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác. Đường chuyển lao không những dài dặc mà còn vô cùng gian lao, phải trải qua núi non trùng diệp và những vực thẳm hun hút hiểm sâu. Nhưng dẫu vậy, từ trong khổ đau vẫn bừng lên ý chí “thép” mang đậm phong cách Hồ Chí Minh. Bài thơ “Đi đường” – “Tẩu lộ” đã thể hiện rõ điều đó.

“Đi đường mới biết gian lao”. Câu thơ là một nhận định nhưng đồng thời cũng là một chân lí: Có đi đường mới biết những sự vất vả, khó khăn của việc đi đường. Vậy những điều “nan”, “gian lao” ấy là gì?

“Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”. Đường chuyển lao là những con đường đi qua các vùng núi hiểm trở của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tầng tầng lớp lớp những ngọn núi tiếp nối nhau chạy mãi đến chân trời. Hết ngọn núi này lại đến ngọn núi khác. Vậy nên mới có hình ảnh “Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”. Trong nguyên văn chữ Hán là “Trùng san chi ngoại hựu trùng san”.

“Trùng san” có nghĩa là trùng trùng lớp lớp núi cao; “hựu” là “lại”, câu thơ mang ý nghĩa: trùng trùng núi cao bên ngoài lại có núi cao trùng trùng. Một câu thơ mà có tới hai chữ “trùng san”, huống chi lại có chữ “hựu”, bởi vậy, câu thơ nguyên gốc gợi nên hình ảnh những đỉnh núi nhọn hoắt cao vút trời xanh trập trùng chạy mãi đến chân trời. Con đường ấy, mới chỉ nhìn thôi đã thấy đáng sợ.

Nếu tù nhân là một người tù bình thường, ắt hẳn họ đã bị nỗi sợ hãi làm cho yếu mềm, nhụt chí. Nhưng người tù ấy lại là một người cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh. Và bởi vậy, hai câu thơ cuối bài đã thực sự thăng hoa:

“Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian”

Hai câu thơ được dịch khá sát là:

“Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Sau những vất vả, nhọc nhằn của con đường leo núi, khi đã lên đến tận đỉnh người tù cách mạng được chứng kiến một hình ảnh vô cùng hùng vĩ “muôn trùng nước non”. Theo tâm lí thông thường, trên con đường gian lao trập trùng đồi núi, khi lên đến đỉnh, con người dễ lo lắng, mệt mỏi khi nghĩ đến con đường xuống núi dốc thẳm cheo leo và những quả núi ngút ngàn khác. Nhưng Hồ Chí Minh thì ngược lại.

Điều Người cảm nhận là niềm tự hào, sung sướng khi được đứng từ trên đỉnh cao chiêm ngưỡng sự hùng vĩ bao la của nước non, vũ trụ. Hình ảnh “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” thật hào sảng. Nó gợi đến hình ảnh bé nhỏ của con người đang đối diện trước cái mênh mông, trập trùng của giang san. Con người ấy không choáng ngợp trước sự kì vĩ của đất trời mà rất vui sướng, bồi hồi như lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy gương mặt của nước non. Chính cảm quan ấy đã nâng vị thế con người sánh ngang tầm non nước.

Tham Khảo Thêm:  31 câu Trắc nghiệm Cố hương có đáp án 2023

Đứng trước một sự thật khách quan, mỗi con người có một cảm nhận khác nhau. Cảm nhận ấy phụ thuộc vào thế giới quan và bản lĩnh của con người, ở Hồ Chí Minh Người đã có những cảm nhận lạc quan, tươi sáng về cuộc đời. Người không bị cái nhọc nhằn của thể xác lấn át đi ước mơ, khát vọng và lí tưởng mà ngược lại, đã vượt qua gian lao để khẳng định ý chí bền bỉ, sắt đá và niềm lạc quan, tin tưởng vào cách mạng của bản thân mình. Đó là tinh thần thép là vẻ đẹp tâm hồn Bác.

Bài thơ “Đi đường” – “Tẩu lộ” không chỉ là bức tranh về con đường chuyển lao đầy rẫy nhọc nhằn trở ngại, đó còn là bức tranh chân dung tinh thần tự họa Hồ Chí Minh. Từ bài thơ, người đọc có thể cảm nhận hình ảnh Bác vừa có thần thái ung dung, bình tĩnh của một bậc tiên phong đạo cốt vừa có nét kiên cường rắn rỏi, đầy lạc quan của một người chiến sĩ cách mạng.

Và như thế, bài thơ “Đi đường” – “Tẩu lộ” cùng với nhiều bài thơ khác trong tập thơ “Nhật kí trong tù” thực sự là một đoá hoa đáng trân trọng của văn học Việt Nam.

Phân tích bài thơ Đi đường – Mẫu 13

“Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vi trong ngục, biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”

Đó là tâm sự của một người tù đặc biệt: Hồ Chí Minh, người tù vì mang tội làm gián điệp khi đang bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc và đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Với mục đích đơn sơ là ghi lại những sự việc, cảm xúc trong mười bốn tháng bị giam cầm, bài thơ “Đi đường” dịch từ bản gốc là “Tẩu lộ” thực sự là một bài thơ nhật kí chân thành và sâu sắc.

“Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian”

Bản dịch:

“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”

Nếu ai không biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ này, có lẽ nghĩ rằng đây là lời thơ của một khách nhàn du thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh! Có ngờ đâu chuyện “đi đường” của tác giả không phải là chuyện trèo núi ngao du, mà là chuyện đi đường của một tù nhân: đi trong cột trói, đi trong nỗi đọa đày về tinh thần lẫn thể chất. Tác giả đã nói về điều này ở bài “Trên đường đi”:

“Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng”

Hay là:

“Năm mươi ba cây số một ngày;
Áo mũ dầm mưa rách hết giày”

Hay là:

“Hôm nay xiềng xích thay dây trói
Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung”….

Có mường tượng ra cảnh đi đường như thế, ta mới thấu hiểu hai chữ “gian lao” trong câu thơ “đi đường mới biết gian lao” của tác giả. Nếu một người phải lặn lội đường xa với “núi cao rồi lại núi cao trập trùng” mà được thong dong ăn uống, nghỉ ngơi, đã thấy rã rời chân tay vì đường xa, không có xe cộ.

Vậy mà trong hoàn cảnh ăn uống thiếu thốn của tù nhân, lại đeo thêm xích xiềng, đi trong mưa gió, lại không được tự do ngơi nghỉ, thì có phải là một thử thách lớn lao vô cùng? Vậy mà ở đây, lời thơ không mang nỗi oán than, mà chỉ như là một sự khám phá, một sự chiêm nghiệm về cuộc sống: “Đi đường mới biết gian lao”, qua đó ta cảm nhận được bản lĩnh và nghị lực của một nhà thơ chiến sĩ,

Ở câu hai, tác giả tả cảnh núi non hiểm trở, cũng không hề tả nỗi nhọc nhằn vì xiềng xích của mình. Câu thơ là một cách độc thoại nội tâm, một sự suy ngẫm về lẽ đời và sự ghi chép khi đã tìm ra được một chân lí thú vị trong lúc phải chịu đựng những cảnh đọa đày phi lí, phi nhân.

Dân gian Việt Nam từng mượn chuyện đi đường để khuyến khích, động viên con cháu: “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” ở câu hai này, phép dùng điệp ngữ “trùng san” và hư từ được dịch ra là: “núi cao rồi lại núi cao trập trùng” thật là một gợi tả mang tính tượng trưng về con đường đời của mỗi người, hay con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam, vừa là cảnh tả thực con đường Bác phải trải qua. Qua hai câu sau, tứ thơ biến chuyển bất ngờ:

“Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian”.

Bản dịch thơ của Nam Trân là:

“Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Tuy là bản dịch hay nhất, nhưng dịch giả vẫn không diễn tả được cái ý cảm động của tác giả trong ba từ “cố miện gian”. Cả câu bốn diễn tả tư thế của một người tha hương, lên đứng tận đỉnh núi cao chót vót, quay đầu lại nhìn non sông cố quốc với tấm lòng lưu luyến, trĩu nặng nhớ thương. Đến đây, chúng ta hãy thử đọc bài Lên lầu Quan tước của Vương Chỉ Hoán đời Đường:

Mặt trời đã khuất non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi
Muốn xem nghìn dặm xa xôi
Hãy lên tầng nữa trông vời nước non
(bản dịch của Trần Trọng San)

Cũng là hai thi nhân “Đăng cao”, nhưng một người đi mãi mới đến đỉnh núi cao ngất. Một người chỉ cần bước lên một tầng lầu. Người thì bôn ba khắp bốn phương trời để phấn đấu. Một người nhàn du, sống nơi u nhã để thưởng lãm sơn thủy.

Dù sao chúng ta hãy trở lại tâm tư của nhà thơ chiến sĩ. Đó là một hình ảnh và tâm sự của một con người “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước”, một ngòi bút mang tính nhân văn với những khao khát tự do cho dân tộc và quê hương việt Nam. Một nỗi khao khát mà suốt đời Người đã thực hiện.

Đôi nét về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

– Hồ Chí Minh (sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 – mất ngày 2 tháng 9 năm 1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam.

– Hồ Chí Minh có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

– Gia đình: Thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho yêu nước có tư tưởng tiến bộ có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Người. Thân mẫu của Người là bà Hoàng Thị Loan.

– Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sử dụng nhiều tên gọi khác nhau: Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc… Tên gọi “Hồ Chí Minh” được sử dụng lần đầu tiên trong hoàn cảnh: Ngày 13 tháng 8 năm 1942, khi Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt Minh và Hội Quốc tế Phản Xâm lược Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Hoa Dân Quốc.

– Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn được biết đến với tư cách là một nhà văn nhà thơ lớn.

– Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.

2. Tác phẩm

1. Xuất xứ

– Tác phẩm được rút ra từ tập Nhật kí trong tù (1942 – 1943).

– “Nhật kí trong tù” được sáng tác từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943.

– Đây là một tập thơ chữ Hán với 133 bài, sáng tác trong thời gian Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc.

– Tác phẩm không chỉ ghi lại cuộc sống ở trong tù của Người mà còn nhằm tố cáo chế độ hà khắc của chính quyền Tưởng Giới Thạch.

2. Bố cục: 2 phần

– Phần 1 (Hai câu đầu): Nỗi gian lao khổ cực của người đi đường.

– Phần 2 (Hai câu cuối: Niềm vui sướng khi được đứng trên đỉnh cao của chiến thắng.

3. Nội dung chính:  Bài thơ khắc họa chân thực những gian khổ mà người tù gặp phải, đồng thời thể hiện thể hiện chân dung tinh thần người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, nói lên ý nghĩa triết lí cao cả: Vượt qua gian lao thử thách sẽ đi được tới thắng lợi vẻ vang.

4. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm

5. Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

6. Giá trị nội dung: Từ việc đi đường, bài thơ đã gợi lên một chân lí đường đời: vượt qua gian lao chồng chất thì sẽ tới chiến thắng vẻ vang. Bài thơ cho ta thấu hiểu thêm về cuộc sống gian khổ, rút ra một bài học: phải cảm nhận, phải biết thì mới thông cảm được hoàn cảnh của kẻ khổ

7. Giá trị nghệ thuật:

– Kết cấu chặt chẽ.

– Giọng điệu thơ biến đổi linh hoạt.

– Hình ảnh sinh động, giàu ý nghĩa.

– Sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, từ việc đi đường để khái quát lên một chân lí trong cuộc sống. 

Related Posts

Cách nướng cánh gà bằng nồi chiên không dầu dễ làm mà thơm ngon

1. Chi tiết cách nướng cánh gà bằng chảo không dầu ngon Để món cánh gà giòn ngon vượt mong đợi, tốt nhất bạn nên chuẩn bị…

Tổng hợp những ý tưởng kinh doanh cho mẹ nội trợ hot nhất 2023

Thời gian đọc: 4 phút Ý tưởng kinh doanh là gì? Ý tưởng kinh doanh Ý tưởng của một cá nhân hoặc một tổ chức để đạt…

Hướng dẫn chi tiết cách giặt vali tại nhà

Các bước giặt vali Dưới đây là các bước giặt vali đơn giản, nhanh chóng mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà. Cùng tham khảo…

Trẻ bị cảm nắng liệu có nên tắm nắng hay không?

Có nên tắm nắng cho bé khi bị cháy nắng? #say nắng là gì? Say nắng hay còn gọi là say nắng. Đây là hiện tượng thường…

6 cách bảo quản rau trong tủ lạnh tươi lâu không thể bỏ qua

#1 Không rửa rau củ trước khi cho vào tủ lạnh Không nên rửa rau củ trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Đây là nguyên tắc…

Bạn đã sử dụng nước rửa bình sữa cho trẻ đúng cách?

Bước 1: Vệ sinh bình ngay sau khi sử dụng Vệ sinh bình sữa cho bé bằng nước sạch ngay sau khi sử dụng. Bạn có thể…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *